Logo

Dự án Thực thi Chính sách và Trị liệu cho Người khuyết tật (DIRECT)

Tuesday, December 11, 2018

: 0

CÁC KẾT QUẢ CHÍNH ĐẠT ĐƯỢC ĐẾN NAY

Trên hai năm qua, Hội VNAH phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA), Bộ Y tế (MOH) và các ban ngành địa phương tại hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước thực hiện Dự án Thực thi Chính sách và Trị liệu cho Người khuyết tật (Disability Rights Enforcement, Coordination and Therapies Program - DIRECT). Dự án 5-năm này được Cơ quan Phát triên Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ.

Với mục tiêu tạo cơ hội cho Người khuyết tật thông qua các dịch vụ chất lượng cao và bền vững, qua nhận thức và tăng cường vận động. Cụ thể bao gồm hai chiến lược chính:

1) Tăng cường nguồn lực cho các chương trình và dịch vụ khuyết tật;

2) Tăng cường khả năng tiếp cận cho các dịch vụ phục hồi chức năng chất lượng.

Với những mục tiêu và chiến lược đề ra, thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật (NCD) nhằm tăng cường phối hợp và thực thi chính sách khuyết tật cũng như mở rộng bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ phục hồi chức năng. Chương trình DIRECT còn hỗ trợ xây dựng và phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng bao gồm cải thiện nguồn nhân lực và cơ sở trị liệu, cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật, đặc biệt đối với người khuyết tật nặng tại hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước.

Cho đến nay, nhờ sự hợp tác và ủng hộ của các đối tác trong nước, dự án DIRECTđã đạt được những kết quả như sau:

- 3,700 người khuyết tậtnhận được hỗ trợ trực tiếp từ dự án bao gồm các dịch vụ phục hồi chức năng và trị liệu, các dụng cụ chỉnh hình và cải thiện môi trường nhà ở cho các gia đình có người khuyết tật. Khoảng 12% số người hưởng lợi trực tiếp là nạn nhân hoặc bị phơi nhiễm với chất độc Da cam. Nạn nhân chất đôc Da cam là một trong những nhóm người được ưu tiên trong dự án. Bên cạnh đó, dự án cũng ưu tiên nhóm phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Cho đến nay, 40% số người hưởng lợi từ dự án là nữ. Trước khi hỗ trợ và trị liệu, dự án có mời các chuyên gia về phục hồi chức năng của Việt Nam và quốc tế tham gia tiến hành đánh giá lâm sàng để xác định nhu cầu phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp và các hỗ trợ khác. Sau khi đánh giá, các chuyên gia sẽ phát triển kế hoạch can thiệp, điều trị, và cung cấp dịch vụ theo dõi cho từng người.

- 5,100 nhà cung cấp dịch vụđược đào tạo thông qua dự án. Tăng cường đào tạo nhân lực cho các nhà cung cấp dịch vụ địa phương là một trong những mục tiêu chính của dự án. Cho đến nay, dự án đã tập trung đào tạo về liệu pháp phục hồi chức năng, kỹ thuật đánh giá khuyết tật và hệ thống thông tin người khuyết tật (Disability Information System - DIS). Những người tham gia đa phần là các cán bộ y tế và xã hội tại địa phương. Trong số đó, có hơn 31 bác sĩ phục hồi chức năng và 58 trợ lý trị liệu đã tham giakhóa đào tạo ngắn hạn (10 tháng) và được cấp phép hành nghề trong lĩnh vực phục hồi chức năng. Đợt tiếp theo gồm có 25 bác sĩ và 28 kỹ thuật viên trị liệu được đào tạo đến tháng 06/2019 với trọng tâm về hoạt động trị liệu. VNAH phối hợp với Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Curtin (Úc) để thực hiện . VNAH cũng đã hợp tác với Tổ chức Butterfly Basket Foundation (Hà Lan), CESO (Canada) và các chuyên gia y tế tình nguyện khác trong đào tạo và dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật ở tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Ngoài ra, khóa đào tạo 3 tháng về định hướng phục hồi chức năng đã cung cấp được cho 242 cán bộ y tế cấp xã trên địa bàn hai tỉnh.

- 25 đơn vị phục hồi chức năng được thiết lập và cung cấp trang thiết bị. Dự án đã hỗ trợ lắp đặt và cung cấp thiết bị phục hồi chức năng cho 25 đơn vị thuộc các bệnh viện cấp tỉnh và cấp huyện của hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Các đơn vị phục hồi chức năng và cán bộ chuyên trách được đào tạo thông qua chương trình DIRECT giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chất lượng cho người khuyết tật.

- 12 chính sách mới về khuyết tật được xây dựng và soạn thảothông qua sự hỗ trợ của dự án DIRECT. Những chính sách này bao gồm các kế hoạch hành động về khuyết tật hàng năm của hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Điểm nổi bật trong số các chính sách này là Kế hoạch về Công ước về Quyền của Người khuyết tật được Thủ tướng Chính phủ thông qua và phê duyệt Thông tư 18 của Bộ Y tế nhằm mở rộng chi phí bảo hiểm đối với các danh mục kỹ thuật phục hồi chức năng lên 8 lần, cụ thể từ 33 lên 265 kỹ thuật/dịch vụ mới. Hơn nữa, các quy trình kỹ thuật của 265 dịch vụ phục hồi chức năng được Bộ Y tế phê duyệt và ước tính chi phí của 116 dịch vụ phục hồi chức năng mới được thực hiện. Đây là những điều kiện để hoàn lại chi phí bảo hiểm đối với các dịch vụ phục hồi chức năng.